Sớm “giải cứu” Chùa Cầu
Sớm “giải cứu” Chùa Cầu
Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) là di tích lịch sử nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút hàng ngàn lượt khách tìm đến tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, di tích đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực tế này, chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhiều lần ngồi lại bàn phương án trùng tu, bảo tồn song vẫn chưa “giải cứu” được Chùa Cầu.
Di tích Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.
Chùa Cầu có tên gọi khác là Lai Viễn Kiều, do người Nhật xây dựng từ thế kỷ thứ XVII. Trải qua thời gian với sự tác động của thiên nhiên, di tích bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp từ nhiều năm trước. Theo ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ngay khi nhận thấy sự xuống cấp ở Chùa Cầu, nhiều chuyên gia đầu ngành về văn hóa đã có những ý kiến đóng góp thiết thực nhằm có biện pháp can thiệp sớm. Sau đó, một số phương án tối ưu đã được lãnh đạo TP Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam đồng ý triển khai. Trong đó, chủ yếu là các phương án gia cố phần chân cầu, cải tạo cảnh quan, nạo vét dòng chảy, bảo vệ môi trường tại điểm tham quan du lịch nổi tiếng này. Riêng về phần kết cấu bên trên gồm mái, cầu (miếu) vẫn chưa có phương án trùng tu, tôn tạo. Chính điều này khiến khu di tích Chùa Cầu đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. “Việc trùng tu, tôn tạo ở những lần trước cũng phần nào đảm bảo cho Chùa Cầu không bị hư hại nghiêm trọng, phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách. Mặc dù vậy, hiện nay phần trên của cầu đang có dấu hiệu hư hỏng nặng cần có phương án can thiệp kịp thời, hiệu quả nhất”, ông Trung cho hay.
Theo khảo sát của các chuyên gia và ngành chức năng, Chùa Cầu đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng khi mái đang có nhiều chỗ bị dột, phần thân cầu nhiều bộ phận có độ tách rời nên không đảm bảo được ngoại lực tác động mạnh. Điều này khiến di tích này có nguy cơ đổ sập vì mỗi ngày phải “gánh” hàng ngàn lượt du khách qua lại trên cầu. Trước tồn tại trên, TP Hội An đã có phương án “chữa cháy” bằng cách xây dựng hệ thống gánh đỡ phía dưới nhằm tăng sức chống chịu lực. Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hệ thống gánh này chỉ hiệu quả với lực tác động từ trên xuống, nếu mưa to, gió lớn hoặc lụt bão kéo dài thì việc Chùa Cầu ngã đổ hoàn toàn có thể xảy ra. “Việc tu bổ Chùa Cầu là cấp thiết nhưng cũng phải làm đồng bộ, làm kỹ, đúng khoa học nhằm giữ được hồn cốt của di tích. Nếu tiếp tục làm chắp vá thì có khả năng ảnh hưởng đến di tích là điều tối kỵ. Không riêng gì Chùa Cầu, đối với tất cả các di tích có giá trị lịch sử lâu đời thì việc bảo tồn, tôn tạo cần phải thận trọng nhất có thể. Điều này các ngành chức năng và các chuyên gia đầu ngành về văn hóa, trùng tu di tích cũng đang lưu tâm đến”, ông Trung thông tin.
Thực tế, để giải bài toán xuống cấp nghiêm trọng ở Chùa Cầu, giữa năm 2016, một hội thảo quy mô thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, ngành chức năng, lãnh đạo TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã được tổ chức. Tại đây, nhiều giải pháp tối ưu nhất được đưa ra, đi đến thống nhất cuối cùng nhưng rồi đến nay vẫn chưa thể lập hồ sơ dự án để triển khai thực hiện. Điều vướng mắc là khó khăn trong quyết toán dự án cũ. Theo quy định của Luật Di sản, muốn lập hồ sơ dự án mới phải giải quyết dứt điểm việc quyết toán các dự án cũ. Theo Lãnh đạo Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam, trong các hạng mục đã triển khai trước đây có 3 gói thầu riêng gồm: cải tạo vét hồ điều hòa, làm trạm bơm cùng mương nước dưới chân cầu và hạ giải Chùa Cầu. Hiện các hạng mục này chưa quyết toán xong cũng vì hệ quả thời trước để lại khi trải qua thời gian nhiều hồ sơ giấy tờ cần phải được bổ sung. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới tất cả các hạng mục sẽ được quyết toán dứt điểm. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa–Thể thao và du lịch cho rằng, quan điểm của tỉnh rất quan tâm đến nhiều vấn đề chung về bảo tồn đô thị cổ Hội An chứ không riêng gì di tích Chùa Cầu. Mới đây, dự án làm sạch nước ở Chùa Cầu đưa vào hoạt động cũng đã mang đến những tín hiệu tích cực khi môi trường, cảnh quan du lịch ở đây được đảm bảo. Hiện, tỉnh cũng đã chỉ đạo TP Hội An xây dựng một đề án tổng thể trình lên Thủ tướng phê duyệt để sớm triển khai các công tác trùng tu, tôn tạo. Tương lai, Hội An vẫn sẽ giữ vững phong độ là điểm đến hấp dẫn, thú vị đối với du khách trong và ngoài nước.
THÀNH DANH
Tin liên quan
-
Khó khăn nào được tháo gỡ cho bất động sản
Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 1435/QĐ-TTg Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện…21-11-2022 -
Đà Nẵng: Sẽ kiểm tra dự án condotel quảng cáo cấp sổ đỏ lâu dài
Đà Nẵng khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở... cho các căn hộ condotel.25-07-2019 -
UNICONS KHỞI CÔNG DỰ ÁN KHU ĐÔ THỊ VEN SÔNG HÒA QUÝ – ĐỒNG NÒ
Sáng ngày 04/7/2019, Unicons đã tổ chức buổi lễ khởi công dự án “Khu đô thị ven sông Hòa Quý – Đồng Nò” tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.05-07-2019 -
Khơi thông “con đường tơ lụa” trên sông Cổ Cò
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vừa thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9/2019.05-06-2019
Tọa lạc tại phường Hòa Quý - quận Ngũ Hành Sơn - Thành phố Đà Nẵng.
Phường Mỹ An
Phường Nại Hiên Đông
Phường Hòa Xuân
Phường An Hải Tây
Tin BĐS mới
Hỗ trợ trực tuyến 24/7
Điện thoại: 0983 500 499
Email : info@sunland24h.net
Tầng 11, Tòa nhà ACB, 218 Bạch Đằng, Đà Nẵng