Trường hợp bếp nấu và bồn rửa sắp xếp thẳng hàng dọc theo vách tường phía Tây của căn bếp thì hãy đặt bồn rửa tại phía Bắc, bếp ở phía Nam. Ngược lại, nếu bếp và bồn rửa đặt thẳng hàng nhau dọc theo vách tường phía Đông của căn bếp thì hãy đặt bếp ở phía Bắc còn bồn rửa ở phía Nam. Trường hợp bếp và bồn rửa đặt thẳng hàng nhau dọc theo vách tường phía Bắc của căn bếp thì hãy đặt bếp ở phía Đông còn bồn rửa ở phía Tây. Ngược lại, nếu bếp và bồn rửa đặt thẳng hàng nhau sát dọc theo vách tường phía Nam của căn bếp thì hãy đặt bếp ở phía Tây còn bồn rửa ở phía Đông.
Xét cả trên phương diện phong thủy và kiến trúc, theo chuyên gia Phạm Cương, theo Ngũ hành, toàn bộ gian bếp có thuộc tính Hỏa. Chỉ riêng bồn rửa do chứa nước nên mang tính thủy. Theo thực tế trải nghiệm thì hai yếu tố này đặt cạnh nhau khó có thể tạo nên xung đột có hại cho gia chủ. Theo đó, tương tác xấu chỉ xuất hiện khi bếp nấu và bồn đặt ở vị trí đối diện với nhau, tức là căn bếp rơi vào thế hỏa môn đối với thủy khẩu.
Khi đó, phía mặt tiền của bếp nấu hoặc hướng bếp sẽ là nơi nhận được quá nhiều thủy khí khiến cho hỏa khí không được vượng. Phong thủy còn gọi kiểu bếp này là "thủy hỏa tương xung" khiến người trong nhà dễ mâu thuẫn nhau, từ đó khiến công việc làm ăn kém thuận lợi. Thực tế, phần lớn thiết kế bếp tại Việt Nam hiện nay có rất ít trường hợp bếp đối diện bồn rửa, chủ yếu là kiểu bếp thuận chiều hoặc vuông góc với bồn rửa.